Hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng hiện lên trong sách “Cá tính Quảng” là người dám nghĩ, dám làm, dám lăn xả để đạt được mục đích và giữ được những thứ anh nghĩ thuộc về mình.
Mới đây, một nhóm tác giả người Quảng Nam, Đà Nẵng tổ chức giới thiệu sách Cá tính Quảng tại TP.HCM. Ấn phẩm này viết về 23 nhân vật người Quảng Nam, Đà Nẵng thành danh ở Sài Gòn từ mọi lĩnh vực, ngành nghề như NSƯT Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, danh ca Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh….
Được sự đồng ý của tác giả, Zing.vn trích đăng bài viết về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Đàm Vĩnh Hưng có một cá tính rất nghệ sĩ, phải làm khác hay làm trước người ta mới chịu, điều này có gây phiền toái không ít nhưng giúp cho cái tên Đàm Vĩnh Hưng thành một thứ gia vị khó lẫn trong bữa tiệc cá tính Việt.
Cứ như thể từ khi làm nghệ sĩ, Đàm Vĩnh Hưng đã tự lãnh ấn tiên phong cho rất nhiều công việc trong nghề của mình, từ rất lâu, với một cá tính không thể lẫn vào đâu.
Kẻ tiên phong “đi tặng đĩa dạo” cho quán cà phê
Những năm 2000, nhạc trẻ trong nước lên ngôi, trong cái đà nhà nhà nghe nhạc Việt, quán quán mở nhạc Việt ấy, có một kẻ là ca sĩ không tên, một giọng hát bị ảnh hưởng nặng thần tượng Thanh Lam đã chọn cách tiếp thị giọng ca của mình rất không giống ai. Nam ca sĩ có tên Đàm Vĩnh Hưng chạy đi khắp nơi, vào từng quán cà phê lớn nhỏ tặng album của mình cho các chủ quán, chỉ với một đề nghị, hãy mở nhạc trong album này, bao lâu, bao nhiêu bài tùy ý.
Đàm Vĩnh Hưng biết tiếp thị giọng hát không giống ai, ngay từ ngày mới đi hát. |
Ca sĩ hồi đó không ai làm và cũng không ai nghĩ ra chiêu này. Khi ấy, đang thời hoàng kim của thị trường băng đĩa, ca sĩ ra đĩa cứ chăm chăm lấy lại vốn và kiếm lời, “tăng bán giảm tặng” chứ đâu có ai bỏ tiền làm đĩa rồi tự sang ra thật nhiều để đi tặng quán cà phê như Đàm Vĩnh Hưng.
Cần nhớ thời điểm ấy, cách giới thiệu giọng hát của ca sĩ trẻ phổ biến là tìm cách hát chung với người nổi tiếng, làm gà độc quyền cho bầu sô, quen với các biên tập viên ca nhạc của các đài truyền hình lớn, cậy nhờ báo chí viết bài lăng xê. Phải nhắc đến hơi dài dòng như vậy để thấy Đàm Vĩnh Hưng tỏ ra nhanh nhạy khi đi tiên phong trong việc tiếp thị giọng hát gây nhiều tò mò.
Từ sự tò mò nhất định ban đầu ấy đã góp phần quan trọng cho Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ ăn khách một cách ngoạn mục với ca khúc nhạc ngoại lời Việt Tình ơi xin ngủ yên trong album cùng tên. Lối tiếp thị này sau đó được nhiều ca sĩ trẻ áp dụng triệt để, cũng có hiệu quả, nhưng đến mức góp phần cho thành công của mình như hiện tượng Đàm Vĩnh Hưng thì không mấy ai.
Kẻ “đi xin” lì lợm và hát nhạc xưa kiểu “giang hồ”
Tôi cũng không phải là khán giả của Đàm Vĩnh Hưng khi Mr Đàm hát dòng nhạc tình xưa, nhưng luôn có thói quen, mỗi khi Hưng ra một album nhạc tình xưa là hay nhìn xem danh sách bài hát có ca khúc nào trước 1975 mới được cấp phép không. Bây giờ, khán giả và ca sĩ trong nước đã quá quen với những Hồi tưởng, Bài Tango tím, Qua cơn mê, Sương lạnh chiều đông, Nếu đời không có anh, Chiều mưa biên giới… là những ca khúc mà Đàm Vĩnh Hưng đã chịu khó kiên trì xin phép từ cả chục năm trước. Đây là chuyện Hưng tự thấy mình phải làm (dù Đàm Vĩnh Hưng không phải là người hát hay nhất nhạc tình xưa, càng không phải là người hát bolero hay, chính anh cũng thừa nhận như thế).
Đàm Vĩnh Hưng nổi tiếng là người kiên trì xin cấp phép lại các ca khúc trước 1975. |
Đến mức không ít người trong nghề, có ý chờ “kẻ tiên phong” này xin cấp phép lại các ca khúc cũ trước 1975, là hát theo cho… tiện. Thậm chí, có ca sĩ thu âm sẵn bài hát Tình bơ vơ, chỉ đợi thông tin album Đàm Vĩnh Hưng phát hành có ca khúc này là công bố theo. Bởi ai cũng biết, việc xin cấp phép biểu diễn các ca khúc trước 1975 là rất nhiêu khê, vất vả và lắm hên xui mà ngay cả các hãng băng đĩa lớn nhiều khi cũng phải chịu thua.
Hưng là kẻ không chịu thua, chỉ ra album nhạc tình xưa khi có ca khúc mới được cấp phép. Tôi nhớ khi chia sẻ trên trang cá nhân thông tin chương trình Saigon bolero và Hưng sẽ có các ca khúc Tình bơ vơ, Thương hận, Chiều mưa biên giới vừa được cấp phép mà anh đã kỳ công xin và chờ đợi rất lâu, nhiều ca sĩ trẻ đã vội hỏi thăm độ chính xác của thông tin để… hát.
Mỗi sinh nhật là… một chuyện
Hưng là ca sĩ đầu tiên đã biến các dịp sinh nhật của mình thành những dạ tiệc âm nhạc với nhiều quy mô khác nhau. Từ 10 năm nay, không lần nào giống lần nào, không lẫn vào ai, không giống ai, chỉ giống Hưng và rất biết cách khiến fan của mình tò mò và báo chí luôn có chuyện để viết.
Sinh nhật mới nhất 10/2018 của mình, Mr Đàm đã biết cách… “móc túi” bất ngờ tất cả các quan khách dự tiệc của mình, mỗi người 500 nghìn đồng, thông qua một trò chơi. Hưng kêu gọi mọi người bỏ ra 500 nghìn đồng lên bàn ăn của mình rồi cho người đi gom hết. Mr Đàm khích tướng:” Vị nào tiếc tiền không bỏ ra 500 nghìn đồng, lát nữa mất quyền lợi ráng chịu, đây là cơ hội lớn cho mọi người nha….”.
Dĩ nhiên là ai cũng phải bỏ tiền túi ra để tham gia trò chơi. Sau đó Hưng trao cho mỗi người một CD mới của mình rồi mới nói: “ Là Hưng ép quí vị mua CD mới của Hưng đó. Hưng xin lỗi mọi người vì đã bày ra trò này, xin lỗi các anh chị nhà báo vì đúng theo lẽ thường các anh chị sẽ được Hưng tặng sản phẩm của mình trong ngày họp báo ra mắt CD. Lần này, Hưng mong muốn mọi người sẽ phải mua với cái giá 500 nghìn đồng như vậy vì toàn bộ số tiền bán CD với giá đặc biệt này, Hưng sẽ dành hết để mua xe lăn tặng cho những người tàn tật. Hưng sẽ live stream để mọi người thấy rõ số tiền này được công khai như thế nào và tặng vật được trao tận tay ra sao. Hưng có thể tặng CD cho mọi người được nhưng chẳng qua là Hưng muốn tạo cơ hội cho quí vị tích đức thôi mà, cho Hưng xin lỗi và cảm ơn mọi người nha”.
Quý ông lăn xả
Dễ nhận thấy nhất sau chừng ấy năm lăn lộn showbiz, Hưng vẫn sẵn sàng xù lông lên để bảo vệ mình và những gì anh cho là của mình. Thậm chí, có lần, tôi nói Hưng không nhất thiết phải đi tranh luận đôi co với những bình luận trái chiều, sẵn sàng lao vào các cuộc tranh luận nếu thấy ai nói năng có tính mạt sát mình. Lực lượng fan của anh quá đông và quá nhiệt tình để có thể làm nhanh gọn điều ấy.
Đàm Vĩnh Hưng tự nhận mình là người dám chơi, dám chịu. |
Hưng bảo là tính mình vốn vậy, Hưng phải nói, không nhịn được. “Việc mình làm mình chẳng cần ai phán xét, miễn mình vui là được. Mình đâu có nhiệm vụ làm cho cả thiên hạ hài lòng. Và Đàm Vĩnh Hưng này quen chinh chiến với tất cả, dù đó là cái bình luận tình cờ đọc trên mạng xã hội của một nick nào đó không quen biết”.
Cá tính “bạo liệt” này thật ra từ thời hàn vi đi hát, Hưng đã vậy rồi. Những năm 90 đi hát, làm ca sĩ không tên chực chờ xin được hát ở các tụ điểm, như tất cả các ca sĩ khác, chuyện bị chèn ép, mất show, giành micro ngay cả khi đang hát là chuyện thường ngày. Nhưng Hưng và Vũ Hà, ca sĩ thân thiết cùng thuở hàn vi của mình, đã biết cách hợp cùng “chơi tay đôi” lại những ca sĩ hay bầu sô nào chèn ép, ăn hiếp ca sĩ không tên như mình.
Tính cách làm nên số phận, Hưng tự hiểu điều này hơn ai hết. Một kẻ dám tạo sóng thì dám đương đầu với sóng. Ngông hết mức của giới nghệ, nhiều khi tưởng như đi tới tận cùng giới hạn thương và ghét của thiên hạ, nhưng tôi biết Hưng luôn có điểm dừng. Và quan trọng, Hưng tự chịu trách nhiệm tất cả những việc của mình, đương đầu với nó dù không phải lúc nào anh cũng đúng, lắm lúc cực đoan, nhưng nói đơn giản theo kiểu anh hay nói là: “Dám chơi, thì dám chịu”.